Kỳ 7: Xung quanh câu chuyện “nóng”  tuyển chọn nhân sự các ĐTQG bóng chuyền

Nhị Hường
thứ tư 12-1-2022 18:30:11 +07:00 0 bình luận
Trước SEA Games 31 đúng 5 tháng, ĐTQG bóng chuyền nữ mới chọn xong danh sách các tuyển thủ, và  cũng mới chốt được HLV trưởng. Quy trình và cách thức tuyển chọn lực lượng, tập huấn các ĐTQG vẫn duy trì theo nếp cũ qua  2 thập kỷ, mang tính thời vụ năm một. 

HLV trưởng và ĐTQG “năm một”

Như một nghịch lý, ĐTQG bóng chuyền nữ, vẫn được ví như đội tuyển số 2 của thể thao Việt Nam, lại chính là một điển hình cho cách tuyển chọn và tập huấn mang nặng tính thời vụ, lạc hậu. Suốt cả năm 2021, đội không có một đợt tập huấn nào, với lý do được đẩy hết cả cho những ảnh hưởng của COVID-19.

Cho đến khi kết thúc giải VĐQG vào 25/12, kế hoạch tập trung ĐTQG  chuẩn bị SEA Games 31 mới chỉ nằm trên giấy, còn danh sách các tuyển thủ và đặc biệt vị trí HLV trưởng vẫn không có. Để rồi những người có trách nhiệm của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đã phải gấp rút tuyển chọn, thông qua ý kiến Ban Huấn luyện, đào tạo, nghiên cứu khoa học, các đội bóng để chọn ra được 20 tuyển thủ.

Đáng nói hơn, ngay cả khi “quân” đã có rồi, Liên đoàn mới thuyết  phục được HLV Thái Thanh Tùng cùng CLB chủ quản Ninh Bình Doveco đồng ý trở lại dẫn dắt đội tuyển chuẩn bị dự tranh SEA Games 31 và Asian Games 2022. Chính bởi vậy, thay vì tập trung ngay từ đầu tháng 1 như dự kiến, đội đã phải dời lịch “hội quân” đến trung tuần tháng 2/2022. 

HLV Thái Thanh Tùng dẫn dắt ĐT bóng chuyền nữ Việt Nam khi danh sách tập trung đã có

Có nghĩa là, cả HLV trưởng Thái Thanh Tùng và ĐTQG nữ đều chỉ được tuyển chọn và tập trung theo kiểu “năm một” phục vụ các mục tiêu thời vụ trước mắt. ĐTQG nam cũng không khác gì, ngoại trừ có một chuyên gia nước ngoài. Các HLV có quá ít quyền hạn, dấu ấn trong việc tuyển quân, lên kế hoạch tập huấn thi đấu, chỉ tiêu thành tích của đội. Thầy trò của đội gần như chỉ lên Tuyển để thực hiện tốt nhất những nhiệm vụ cụ thể được giao trong năm 2022. 

Theo chuyên gia Lương Khương Thượng, cựu HLV trưởng ĐTQG và CLB VTV Bình Điền Long An, các tiêu chí chuyên môn để tuyển chọn cầu thủ cho các ĐTQG vẫn đang được đảm bảo, dựa vào đẳng cấp, phong độ, gắn với từng vị trí và chiến lược, chiến thuật chung của cả đội. Vấn đề cốt yếu khiến ĐTQG luôn gặp  khó, luôn bị động trong xây dựng lực lượng, phát triển bài bản, nằm ở chính câu chuyện đội tuyển và nhất là HLV trưởng “năm một”.

Với hai ĐTQG, rõ nhất với đội nữ, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đang trực tiếp đứng ra tuyển chọn nhân sự HLV và các tuyển thủ, dựa trên ý kiến của Bạn Huấn luyện, đào tạo và nghiên cứu khoa học của Liên đoàn, các đội bóng. Bản danh sách này sẽ được Tổng cục TDTT xem xét, trước khi ban hành quyết định tập trung. 

Ngoại trừ một vài  lần có chuyên gia ngoại, HLV trưởng  ĐTQG đều là các thầy nội được triệu tập lên từ các CLB. Họ chỉ tập trung cho ĐTQG theo các đợt tập huấn, những đích nhắm cụ thể trong một năm, song song với vai chính ở CLB.

Như chia sẻ của cựu HLV trưởng đội nam Thể Công Phùng Công Hưng, người có mười mấy năm làm HLV trưởng ĐTQG thì bản chất ông vẫn là  HLV của CLB, và gánh vác thêm trọng trách ở ĐTQG mỗi khi được triệu tập. Ông chỉ có thể thực hiện quyền hạn và trách nhiệm khi có quyết định, với những lần tuyển chọn, triển khai tập huấn thi đấu ngắn hạn. “Tôi đảm trách HLV trưởng ĐTQG mười mấy năm, song thực chất là từng năm một, nên để làm gì dài hạn, tạo dựng lối chơi hay bản sắc cho đội thực sự quá khó”, ông Hưng cho biết. 

Các HLV chỉ nhận nhiệm vụ từng năm một

Đột phá từ đâu?

Chuyện ĐTQG nữ không có cuộc “hội quân” nào trong cả năm 2021, rồi đến trước SEA Games 31 chỉ 5 tháng mới có HLV trưởng, rõ ràng bộc lộ những hạn chế lớn trong việc xây dựng các ĐTQG của bóng chuyền Việt Nam. Đó không phải là một trường hợp cá biệt gắn với tác động tiêu cực của COVID-19 mà kết đọng cho cả cách làm theo nếp cũ kỹ được duy trì suốt hai thập kỷ ở cả hai đội nam- nữ, cho dù điều kiện, nguồn lực và yêu cầu đặt ra cho môn thể thao được quan tâm bậc nhất này đã hoàn toàn khác. 

Theo giới chuyên môn đánh giá, danh sách cả hai ĐTQG nam nữ được dự kiến tập trung đều “ổn” xét trên mọi mặt. Thế nhưng, một đội tuyển tập hợp đầy đủ “binh hùng tướng mạnh” cũng sẽ khó phát huy được nếu chỉ được đào tạo huấn luyện “thời vụ năm một”. Và đã đến lúc không thể muộn hơn, bóng chuyền Việt Nam cần phải đột phá, với những việc cần làm ngay. 

Thứ nhất, việc xây dựng ĐTQG cần phải vượt qua nếp “năm một thời vụ” để hướng tới mục tiêu và cách làm dài hạn, có thể là 5 năm, thậm chí xa hơn, như thừa nhận của Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam ông Trần Đức Phấn. Đội nữ đang nhắm tới đích lọt vào Top 5 châu lục, còn đội nam đứng trong Top 10. Đây là một thử thách lớn, đòi hỏi quyết tâm cao cùng nhiều giải pháp mới.

Những chuyên gia ngoại như ông Li Huan Ning sẽ giúp đội tuyển thoát khỏi cảnh thời vụ?

Trong đó, có một việc cần làm ngay là có HLV trưởng “chuyên” cho ĐTQG, được giao quyền và trách nhiệm đầy đủ. Ngoài năng lực, tầm nhìn, họ phải làm việc chuyên trách để thực hiện toàn diện quy trình tuyển chọn, đào tạo tuyển thủ, đề xuất kế hoạch tập huấn thi đấu, xây dựng lối chơi. Điều đó có thể bắt đầu khai triển từ  ĐTQG nam khi đang có  chuyên gia Li Huan Ning, và đội nữ cũng phải tiến tới mô hình này. Trong bối cảnh hiện tại, quá khó để có một HLV nội hàng đầu chấp nhận rời CLB để nắm ĐTQG nữ. Thế nên, phương án thuê HLV ngoại cho đội nữ sẽ phải tính đến!

Thứ hai, cần phải củng cố Ban Huấn luyện, đào tạo và nghiên cứu khoa học của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam, hiện đang hoạt động chưa hiệu quả và mờ nhạt. Trong suốt nhiệm kỳ vừa qua, Ban này mới chỉ có đóng góp mỗi khi tuyển chọn nhân sự trước các đợt tập huấn ĐTQG, thay vì phải thể hiện vai trò quan trong trong chương trình đào tạo cầu thủ, quy trình và tiêu chí tuyển chọn HLV, VĐV ĐTQG, hỗ trợ các vấn đề chuyên môn cho HLV và ĐTQG… Thất bại nặng nề của ĐTQG nam tại SEA Games 30, gắn với nhiều “lỗ hổng” về nhân sự, chiến thuật, cũng có phần trách nhiệm của chính đơn vị này. 

SEA Games 31 trên sân nhà sẽ là màn “thử lửa” quyết định cho ĐTQG nữ, và nhất là đội nam với mục tiêu phấn đấu tranh HCV. Và đúng như nhìn nhận của chuyên gia Lương Khương Thượng, dù kết quả thế nào, quy trình và cách thức tuyển chọn lực lượng, xây dựng ĐTQG cũng sẽ phải thay đổi mạnh mẽ và quyết liệt. 

Thể thao Việt Nam đang chuẩn bị tuyển chọn "đại quân" cho SEA Games 31 trên sân nhà. Mỗi môn, mỗi đội tuyển đều có đặc thù riêng và thời gian qua bộc lộ những ưu điểm, phù hợp nhưng cũng có bất cập. Webthethao sẽ tìm hiểu và phản ánh những điển hình.

Đón đọc kỳ 8: Bóng bàn Việt Nam đã vượt thảm cảnh “hễ ĐTQG tập trung là có khiếu kiện” như thế nào?

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản của mạng xã hội webthethao.com.vn: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Địa chỉ văn phòng Hà Nội: số 25 BT2 Đạm Phương, bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội.

Điện thoại: 024.32669666

Hotline: 091 2075444

Email: [email protected]

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2022.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: [email protected]

25 BT2 Đạm Phương, bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội.