16 năm biến động: Boxing nghiệp dư đã làm gì để bị Olympic "tẩy chay"?

Lâm Gia
thứ ba 5-7-2022 10:56:45 +07:00 0 bình luận
Cùng nhìn lại những vấn đề trong 16 năm qua của Hiệp hội Quyền Anh Quốc tế (IBA) khiến hình ảnh của môn thể thao này xấu đi trông thấy trong mắt các nhà điều hành Olympic.

Cuối tháng 6 vừa qua, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) lần thứ hai liên tiếp tước quyền tổ chức Hiệp hội Quyền Anh Quốc tế (IBA, hay trước đây là AIBA) tại Olympic Paris 2024. Nguyên nhân đến từ những tranh chấp nội bộ trong hàng ngũ lãnh đạo của tổ chức lớn nhất làng Boxing nghiệp dư.

Tuy nhiên, không chỉ mới một vài năm trở lại đây hay từ các bê bối tại Olympic Rio 2016, làn sóng khủng hoảng của IBA đã bắt đầu từ hơn một thập kỉ trước, với những sự kiện khiến tổ chức này rơi vào tình trạng không thể kiểm soát như hiện tại. 

2006 - Kiến trúc sư người Đài Loan, nguyên đại diện Ủy ban Olympic Đài Loan tại IOC, ông Wu Ching-kuo đánh bại đối thủ kì cựu Anwar Chowdhry trong cuộc đua giành ghế điều hành cao nhất của AIBA. Triều đại kéo dài 20 năm của vị chủ tịch người Pakistan chính thức kết thúc sau giai đoạn bị chỉ trích bởi những quyết định bất thường trong công tác lãnh đạo cũng như có các quan điểm đối lập với IOC. 

Khi lên nhậm chức, ông Wu tiến hành hàng loạt sự thay đổi với tuyên bố đưa AIBA thành một tổ chức “Quyền Anh chuyên nghiệp” bên cạnh việc đẩy mạnh Quyền Anh nghiệp dư ở một số khu vực chưa được để tâm như Châu Phi.

2010 - AIBA ra mắt hệ thống thi đấu chuyên nghiệp đầu tiên với tên gọi World Series of Boxing (WSB), nơi các vận động viên nghiệp dư có thể tiếp tục thi đấu và hưởng quyền lợi như các võ sĩ nhà nghề. 

Dù vậy, AIBA bắt đầu gặp vấn đề khi World Series of Boxing phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt ở thị trường chuyên nghiệp, với sự hiện diện các tổ chức Quyền Anh nhà nghề đã quá lâu đời và uy tín. Ngoài ra, khoản vay kinh phí hoạt động trị giá 10 triệu đô của AIBA với tập đoàn Benkons từ Azerbaijan cho WSB cũng bắt đầu trở thành gánh nặng tài chính cho tổ chức này.

World Series of Boxing - “Làn gió mới” khiến AIBA rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính. 

2012 - AIBA lần đầu tiên đưa Quyền Anh nữ vào thi đấu tại Olympic sau hơn 100 năm góp mặt ở kì đại hội thể thao lớn nhất thế giới. Dù vậy, các bê bối xung quanh các trận đấu nam bắt đầu xuất hiện. Ví dụ như trường hợp của một võ sĩ Azerbaijan được xử thắng cuộc dù đã bị đánh ngã tới 6 lần trong cả trận đấu, hoặc việc một tay đấm Iran bị tước quyền thi đấu, dẫn tới cả hai trọng tài điều khiển các trận đấu này đều bị loại tư cách điều hành. 

2014 - AIBA Pro Boxing - thương hiệu quảng bá Quyền Anh chuyên nghiệp được ra mắt song hành với các hoạt động tại Olympic nhưng không nhận được sự quan tâm từ giới mộ điệu. Dự án này chính thức bị hủy bỏ vào tháng 6/2016. 

2016 - Loạt scandal rúng động tại Olympic Rio tiếp tục xảy ra với các trận đấu nam. Võ sĩ Michael Conlan (Ireland) gửi 4 bức thư tố các cáo trọng tài AIBA “gian lận” khi xử ép anh trong trận tứ kết với Vladimir Nikitin (Nga) tại tứ kết hạng 56kg. Một loạt trận đấu khác giữa Vasily Levit (Kazakhstan) vs. Evgeny Tishchenko (Nga) ở chung kết hạng 91kg; hay Fazliddin Gaibnazarov (Uzbekistan) vs. Gary Russell (Mỹ) ở vòng loại hạng 64kg cũng bị chỉ trích. Sau khi loạt tố cáo được gửi đi, AIBA phải tổ chức một cuộc điều tra ngay giữa giải đấu và 6 trọng tài bị buộc dừng công tác điều hành. 

Ngoài ra, việc AIBA thay đổi quy tắc cấp phép khiến những võ sĩ chuyên nghiệp cũng được tham dự Olympic, hay cơ chế chấm điểm lựa chọn bảng điểm ngẫu nhiên cũng trở thành vấn đề khiến tổ chức này nhận làn sóng phản đối của dư luận.

Scandal tại Olympic Rio 2016 là giọt nước tràn ly của AIBA trong mắt Ủy ban Olympic Quốc tế. 

2017 - Khủng hoảng nội bộ AIBA nổ ra khi hàng loạt quan chức trong hàng ngũ lãnh đạo nổi lên chống lại Wu Ching-kuo sau thông tin ông này vướng vào những khoản nợ không thể chi trả. Tháng 11 cùng năm, ông Wu Ching-kuo chính thức từ chức khỏi ghế chủ tịch AIBA. Trước các sự kiện trên, IOC chính thức tuyên bố ngừng trợ cấp cho AIBA khiến cuộc khủng hoảng tài chính càng trở nên trầm trọng.

2018 - AIBA đón chủ tịch thứ 7 trong lịch sử, doanh nhân người Uzbekistan Gafur Rakhimov giữ ghế điều hành tạm thời, tiếp tục những lời hứa giải quyết các khoản nợ. Dù vậy, IOC tiếp tục đưa ra quan điểm không công nhận tư cách của Rakhimov khi ông này bị Bộ Tài chính Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen, do nghi ngờ có các hoạt động liên quan tới giới tội phạm có tổ chức. 

2019 - IOC công bố các tài liệu điều tra về tình hình tài chính của AIBA, nêu rõ vấn đề liên quan khả năng quản trị và chất lượng của đội ngũ trọng tài. Giám đốc điều hành AIBA Tom Virgets thừa nhận tổ chức này đang đối mặt nguy cơ phá sản. Ngày 26 tháng 6 năm 2019, IOC chính thức loại AIBA ra các hoạt động xung quanh môn Quyền Anh tại Olympic Tokyo 2020. 

2020 - Tổng thư ký Liên đoàn Quyền Anh Nga - ông Umar Kremlev đắc cử chủ tịch AIBA, tiến hành hàng loạt cải cách, đáng chú ý nhất bao gồm việc kêu gọi sự tài trợ của đế chế dầu khí Nga Gazprom nhằm chi trả khoản nợ của AIBA và thành lập hàng loạt ủy ban liêm chính, tổ chức điều tra độc lập các vấn đề nội bộ từ thời cựu chủ tịch Wu Ching-kuo. 

2021 - Tân chủ tịch Umar Kremlev giải quyết các khoản nợ từ quá khứ của AIBA với tập đoàn Benkon, dưới sự trợ giúp của Gazprom. Lần đầu tiên sau 75 năm, AIBA công bố tiền thưởng cho giải Vô địch Quyền Anh nghiệp dư thế giới lên tới 100 ngàn đô la Mỹ. 

Song hành cùng với đó, giáo sư luật người Canada Richard McLaren - điều tra viên độc lập của AIBA công bố các tài liệu về bê bối xung quanh Olympic Rio 2016, với loạt thông tin gây rúng động khi một số trận đấu có thể bị “mua bán” với trị giá lên tới 250 ngàn đô la.Tháng 4/2021, 36 trọng tài từng tham gia điều hành tại Rio 2016 nhận quyết định không được tham gia các công tác điều hành Olympic Tokyo 2020.

Tháng 12/2021, điều lệ mới chính thức thay đổi tên gọi AIBA (Amateur International Boxing Association) thành IBA (International Boxing Association).

Chủ tịch IBA đương nhiệm Umar Kremlev có thể đảm bảo tương lai cho môn Quyền Anh tại Olympic hay không? 

2022 - IOC tiếp tục tước quyền tổ chức của IBA tại Olympic Paris 2024 do những tranh chấp xung quanh vấn đề tranh cử ghế chủ tịch kế nhiệm của cơ quan này. Quyền Anh cũng không nằm trong danh sách các môn thể thao ban đầu của Olympic Los Angeles 2028.

Từ thời kì cựu chủ tịch Wu Ching-kuo, AIBA thực sự đã lún sâu vào những cơn khủng hoảng tưởng chừng không thể vãn hồi, dẫn tới hình ảnh xấu đi trông thấy dưới con mắt của những nhà điều hành Olympic. 

Nếu không thể giải quyết các vấn đề nội bộ ở cuộc họp bất thường tháng 9 tới đây, cũng như thuyết phục được IOC trước hạn chót công bố các môn thể thao chính thức cho Olympic Los Angeles 2028 vào tháng 6 năm sau, AIBA - hay giờ đây là IBA có thể khiến môn thể thao có lịch sử hơn 100 năm tại Olympic chính thức biến mất tại đấu trường danh giá nhất thế giới.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản của mạng xã hội webthethao.com.vn: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Địa chỉ văn phòng Hà Nội: số 25 BT2 Đạm Phương, bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội.

Điện thoại: 024.32669666

Hotline: 091 2075444

Email: [email protected]

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2022.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: [email protected]

25 BT2 Đạm Phương, bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội.