“Phát triển kinh tế thể thao mang lại lợi ích cho nhiều ngành nghề khác”

thứ bảy 3-6-2023 15:05:40 +07:00 0 bình luận
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Xã hội Ban Kinh tế Trung ương tại Diễn đàn kinh tế thể thao Việt Nam 2023.

Diễn đàn diễn ra vào sáng nay (3/6) tại Hà Nội. Webthethao xin đăng ý kiến của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Xã hội Ban Kinh tế Trung ương.

Kinh tế thể thao là một bộ phận của nền kinh tế quốc dân, cung cấp hàng hóa, dịch vụ thể thao cho nhu cầu xã hội để thu hoặc không thu lợi nhuận. Kinh tế thể thao theo nghĩa rộng bao gồm các hoạt động kinh tế liên quan trực tiếp đến hoạt động tập luyện, thi đấu, gián tiếp phục vụ cho các hoạt động thể thao như sản xuất, cung cấp các dịch vụ hàng hóa, dịch vụ liên quan đến thể thao.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Xã hội Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại diễn đàn.

Kinh tế thể thao là lĩnh vực phát triển mạnh mẽ, mang lại giá trị kinh tế ở nhiều quốc gia lớn trên thế giới. Các loại hình kinh doanh dịch vụ rất phát triển như du lịch thể thao, hàng hóa thể thao, trang thiết bị, dụng cụ, hoạt động thể thao nghiệp dư, hoạt động thể thao nhà nghề, thể thao giải trí, học đường, ngoài trời, quảng cáo thể thao và tài trợ thể thao...

Các quốc gia tận dụng cơ hội đăng cai các giải thể thao quốc tế lớn để tạo dựng hình ảnh đất nước, phát triển các dịch vụ hàng hóa thể thao, quản lý thể thao chuyên ngành, củng cố, cải thiện kết cấu hạ tầng cho thể thao, bản quyền truyền thông, du lịch.

Khu vực châu Á Thái Bình Dương được đánh giá là khu vực dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế thể thao, đạt mức tăng trưởng trung bình 9,4%, cao hơn nhiều so với khu vực Bắc Mỹ và châu Âu.

Việt Nam là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ các hiệp định thương mại tự do, là cơ hội lớn đối với Việt Nam trong việc phát triển các ngành kinh tế nói chung và kinh tế thể thao nói riêng. 

Kinh tế thể thao Việt Nam trong những năm qua đã có những bước phát triển khởi sắc, được Đảng và Nhà nước, nhân dân ghi nhận. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng tăng. 

Đây là tiền đề cơ bản cho sự hình thành và phát triển thị trường thể thao. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, hoạt động kinh tế thể thao ở nước ta chưa thực sự sôi động, và còn đang ở dạng tiềm năng, chờ đợi những cơ hội đầu tư, khai phá nếu có chính sách kinh tế phù hợp.

Cùng với quá trình đổi mới tư duy, lý luận trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống, xã hội, Đảng và Nhà nước đã có những nhận thức mới về vai trò của thể thao trong thời kỳ mới. Về mối quan hệ giữa thể thao và kinh tế, về phát triển công nghiệp thể thao, thị trường thể thao, chủ trương xã hội hóa đã được đề cập từ rất sớm. 

Cụm từ xã hội hóa chính thức được ghi nhận tại Đại hội toàn quốc lần thứ 9 của Đảng, thực hiện xã hội hóa các hoạt động thể thao mang tính chuyên nghiệp gắn với đổi mới, chính sách chi tiêu ngân sách Nhà nước với thực hiện mạnh mẽ chủ trương xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục, đào tạo y tế, văn hóa, thể dục thể thao.

Đẩy mạnh xã hội hóa khuyến khích nhân dân và các tổ chức tham gia thiết thực, có hiệu quả các hoạt động văn hóa, thể thao, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư và bảo trợ các hoạt động văn hóa, thể thao. 

Chính sách xã hội hóa và chuyên nghiệp hóa của Đảng và Nhà nước đã thực sự thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của kinh tế thể thao cho đến nay. Phát triển kinh tế thể thao được đánh dấu bằng chủ trương, phát triển thị trường sản phẩm và dịch vụ hàng hóa thể thao phong phú, lành mạnh tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 9 của Đảng. Tuy nhiên, cụm từ kinh tế thể thao chính thức được đề cập tại Chỉ thị số 17 ngày 23/10/2002 của Ban bí thư khóa 9 về phát triển thể dục thể thao đến năm 2010.

Năm 2011, Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục thể thao đến năm 2020. Nghị quyết 08 đã đề ra các giải pháp liên quan đến kinh tế. Đó là quan tâm, phát triển đến công nghiệp, dụng cụ, trang thiết bị thể thao, các hoạt động kinh tế phù hợp để tạo nguồn thu cho thể thao. 

Sau đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 16 ngày 14/1/2013 chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 08, trong đó có nhiệm vụ giải pháp là tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về thể dục thể thao đã nêu vấn đề: xây dựng và ban hành cơ chế chính sách phát triển kinh tế thể thao, khuyến khích mỗi tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động kinh doanh, sản xuất, tổ chức dịch vụ thể dục thể thao. 

Gần đây nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nêu đẩy mạnh phát triển thể dục thể thao toàn dân, thể thao trong cộng đồng, tập trung phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp, phát triển mạnh các phong trào rèn luyện thân thể.

Cho đến nay, Nghị quyết 08 đã được tổng kết, trình Bộ Chính trị xem xét thông qua, hy vọng trong thời gian tới, sớm nhất có thể có chủ trương mới về kinh tế thể thao được ban hành.

Việc phát triển kinh tế thể thao sẽ mang lại doanh thu cho các doanh nghiệp, thu nhập và việc làm cho các cá nhân và hộ gia đình, có đóng góp thuế vào ngân sách Nhà nước. Phát triển kinh tế thể thao không chỉ mang lại lợi ích cho ngành thể thao mà còn mang lại lợi ích, kích thích sự phát triển cho các ngành khách như du lịch, nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, khoa học công nghệ, y tế, giáo dục.

Một phiên thảo luận tại Diễn đàn kinh tế thể thao Việt Nam 2023. 

Tại diễn đàn hôm nay, chúng tôi rất muốn nghe ý kiến của các diễn giả, quý vị, trao đổi, thảo luận về các chủ đề chính tại diễn đàn, để làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến kinh tế thể thao như xây dựng chính sách pháp luật, thúc đẩy kinh tế thể thao, phát triển các loại hàng hóa, dịch vụ thể thao với cách làm hay, hiệu quả, phát triển nguồn lực kinh tế thể thao như con người, tài chính, khoa học công nghệ. 

Vấn đề về đầu tư cho kinh tế thể thao từ Nhà nước và xã hội, việc khai thác các hiệu quả các thiết chế thể thao, phát triển các Liên đoàn, hiệp hội, doanh nghiệp thể thao, làm rõ hơn vai trò của các công ty môi giới, tổ chức sự kiện, kinh nghiệm quốc tế về phát triển kinh tế thể thao, để từ đó rút ra những giải pháp phù hợp cho phát triển kinh tế thể thao Việt Nam, thúc đẩy khát vọng, tạo sự phát triển cho kinh tế thể thao Việt Nam, trở thành ngành cho đóng góp lớn vào GDP nước nhà, và dần khẳng định vị trí của thể thao trong nền kinh tế quốc dân.

Những ý kiến tại diễn đàn sẽ được chúng tôi làm cơ sở, đề xuất chính sách phát triển kinh tế thể thao Việt Nam, đồng thời là những gợi mở quan trọng đến công tác quản lý ngành và giúp cho các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc tham gia vào thị trường kinh tế thể thao trong thời gian tới". 

 

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản của mạng xã hội webthethao.com.vn: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Địa chỉ văn phòng Hà Nội: số 25 BT2 Đạm Phương, bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội.

Điện thoại: 024.32669666

Hotline: 091 2075444

Email: [email protected]

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2022.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: [email protected]

25 BT2 Đạm Phương, bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội.